Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Lượt xem:
Các em thân mến.
Bây giờ vẫn còn là mùa xuân, nắng đã ấm dần, trời đã trong, bầy thiên di đi tránh rét đã quay về và hoa cỏ đang ngát hương. Màu xanh của cỏ, màu vàng của hoa làm cho chúng ta thấy nao lòng trước vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng nhưng hôm nay cô muốn nói với các em về một vẻ đẹp của lòng người. Cuộc đời như một tấm gương, ta cười với nó, nó sẽ cười lại với ta, ta khóc với nó, sẽ khóc lại với ta. Hạnh phúc không chỉ biết nhận mà phải biết cho. Đó là một trong những thông điệp mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gởi đến chúng ta thông qua tác phẩm “ Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” .
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã quá thân quen với chúng ta qua những tác phẩm như : Mắt biếc, Bàn có 5 chỗ ngồi, Đi qua hoa cúc, Chú bé rắc rối, Buổi chiều vindown, Quán gò đi lên…Năm 2003, bộ truyện nhiều tập “Kính vạn hoa” được Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao huy chương “Vì thế hệ trẻ” và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Năm 2004, Nguyễn Nhật Ánh kí hợp đồng với Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục cho xuất bản bộ truyện dài gồm 28 tập mang tên “Chuyện xứ Langbiang” nói về hai cậu bé lạc vào thế giới phù thủy. Năm 2008 Nguyễn Nhật Ánh tác phẩm viết “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” rất được độcgiả ưa thích. Ngày 9-12-2010 tác phẩm “ Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là truyện dài mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh được nhận giải văn chương ASEAN. Nhưng có một điều mà chúng cảm thấy rất gần gủi với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vì anh là người Thăng Bình, Quảng Nam. Chính vì vậy mà khi đọc những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh ta tìm thấy những hình ảnh bình dị của quê hương ta đẹp hơn, lung linh hơn.
“Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” viết về một giai đoạn mà ai cũng đi qua và đó cũng chính là khoảnh khoắc đẹp nhất đời người: “ Tuổi thơ “. Nhưng tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh không giống như các em bây giờ. Các em có quá nhiều cách giải trí hiện đại như công viên nước, như game online, như truyện hoạt hình, phim ảnh…Tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh là sự đắm mình vào thiên nhiên, là góc vườn, bờ tre, bãi lúa, dòng sông, con đường làng, chợ quê, là những đồi sim tím ngát, là đồi cỏ mênh mông…và tâm hồn của những con người thì mộc mạc như cỏ như cây. Đến bây giờ thì cô cũng không biết là các em và Nguyễn Nhật Ánh, tuổi thơ của ai hạnh phúc hơn ai?!…
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là câu chuyện của người anh kể về người em, hay nói khác đi, là số phận của người em dưới cái nhìn của người anh. Cậu bé Tường dường như sinh ra để hy sinh và nhường nhịn người khác và cuộc đời đã ban tặng cậu hạnh phúc ngọt ngào mà cậu mong mỏi.
Trong khi Thiều, anh trai cậu, một cậu bé ích kỷ, hẹp hòi tưởng có được tất cả thì hoá ra chẳng có gì. Bài học đó thú vị ở chỗ nó do chính người anh ích kỷ, hẹp hòi rút ra chứ không phải ai khác.
Với một giọng kể chân chất hồn hậu, khi dí dỏm khi ngọt ngào, cả tếu táo và nghịch ngợm nữa, mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh giống như một ống kính vạn hoa. Với các em, chỉ cần xoay khẽ một chút các em sẽ thấy biết bao quen thân và lạ lẫm để rồi ngồi cười khúc khích với nhau, hoặc lặng đi, nhìn nhau rưng rưng tiếc thương một cái gì đã mất.
Còn với người lớn, mỗi lần xoay khẽ kính vạn hoa kia, cả tuổi thơ lộng lẫy và đau đớn tưởng đã chìm sâu khuất lấp vào lãng quên bỗng rực lên trước mắt làm cho người ta lắm khi khó cầm được nước mắt. “Ðược tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ”, Nguyễn Nhật Ánh đã nói vậy và anh đã đúng.
Có thể nói mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh như mỗi chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là một bất ngờ, một thú vị, một háo hức, một say mê. Có khi làm ta bật cười có khi làm ta rưng rưng hoặc ngồi lặng đi suy ngẫm. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng vậy. Ở toa này ta gặp những câu chuyện hài hước vui nhộn, chuyện ông Cả Hớn trúng xổ số, chuyện cu Tường làm chim xanh hay chuyện lá thư tình đầu đời của cu Thiều chẳng hạn.
Ở toa khác ta lại gặp những câu chuyện ngậm ngùi, thương xót. Chuyện cha của bé Mận bị bạo bệnh đã trốn nhà ra đi vì không muốn vợ con khốn khổ vì mình, chuyện ông Tám Tàng giả điên làm vua vì đứa con gái tâm thần luôn nghĩ mình là công chúa. Ai đã đọc rồi dù muốn quên đi cũng rất khó.
Sức hút của văn chương Nguyễn Nhật Ánh trước hết là triết lý sống vì nhau xuyên suốt trong tác phẩm của anh, với các em nó là bài học luân lý, là sự khám phá về cái gọi là tình người; với người lớn nó là chìa khóa mở ra biết bao nỗi ăn năn. Ai cũng vậy thôi, ít nhất một lần trong đời gây khổ đau cho người khác vì sự vô tâm, tắc trách của mình. Chìa khóa sống vì nhau đã giúp tâm hồn con người tìm về những nỗi ăn năn để thao thức cùng với nó.
Những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh nói với chúng ta rằng anh đã ăn năn như thế đấy, còn bạn thì sao? Cậu bé Thiều trong cuốn sách có thể không phải là Nguyễn Nhật Ánh thuở bé thơ nhưng chắc chắn đó là một nỗi ăn năn của chính anh, chính thế hệ của anh. Cái chết của con Cu Cậu đã làm cho cậu bé Thiều hoảng loạn không phải chỉ vì cái chết của một con cóc, nó là sự tước đoạt niềm vui của kẻ khác. Khi bạn tước đi niềm vui của người khác thì một phần trong trẻo trong tâm hồn bạn cũng sẽ chết theo, vì thế nó sẽ ám ảnh bạn đến trọn đời. Nào ai có dám chắc trong đời không một lần vô tình hay hữu ý tước đi niềm vui của người khác?
Trong diễn từ đọc tại lễ trao giải thưởng văn học ASEAN tại Thái Lan, Nguyễn Nhật Ánh đã nói: “Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên bằng văn chương.” Và thế là với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, quả chuông của Nguyễn Nhật Ánh lại rung lên. Khi đã theo con tàu của Nguyễn Nhật Ánh để đi về tuổi thơ một lần, tôi tin mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh rung chuông, người ta khó lòng bỏ qua một tấm vé để lại được cùng anh háo hức lên tàu.
– Cô giáo Trần Trúc Hạ –
Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Khuyến