Giới thiệu sách tháng 3/2024

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tháng ba đang đến đem theo những làn nắng ấm áp. Mùa xuân vẫn còn đang vương vấn đất trời, mang đến bao nhiêu niềm vui cho tất cả chúng ta. Trong không khí tươi vui của tháng ba – tháng của bà, của mẹ, của những người phụ nữ thân yêu; chúng ta cùng nghĩ đến bao nhiêu điều tốt đẹp về họ. Thư viện nhà trường cũng xin được giới thiệu cùng thầy cô và các bạn học sinh một cuốn sách khá ấn tượng viết về nhiều đề tài phong phú trong cuộc sống, trong đó có hình ảnh người phụ nữ gần gũi và thân thương: tập truyện “Bồ công anh bay theo gió”.

Đây là tập truyện thiếu nhi chứa đựng tình yêu quê hương tha thiết, tình cảm gia đình ngọt ngào và tình bạn sáng trong. Từ thành công của trại sáng tác thiếu nhi hè năm 2023, cùng với mong muốn các tác phẩm của các em học sinh được lan tỏa nhiều hơn, Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã lựa chọn, biên tập và xuất bản tập truyện ngắn thiếu nhi với 30 tác phẩm của 30 tác giả là học sinh tham gia trại. Sách dày gần 300 trang và vừa được xuất bản vào đầu tháng 12/2023. Đặc biệt, trong ấn phẩm đẹp và thú vị này, bạn đọc trường chúng ta sẽ tiếp cận câu chuyện được sáng tác bởi một học sinh trong chính trường mình, đó là tác giả nhỏ Phan Nguyên Chi Mai – học sinh lớp 9/1.

Lần giở những trang sách trên tay mình, chúng ta sẽ cảm nhận nội dung sách chứa đựng trong đó những câu chuyện về nhiều bài học hay trong cuộc sống cho đến tình yêu gia đình, yêu ba mẹ, thầy cô, tình cảm bè bạn; ngoài ra, nhiều tác giả thiếu nhi đã biết hướng ngòi bút của mình đến những vấn đề có tính chất lớn lao mà thiết thực như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội. Đề tài các bạn lựa chọn khá phong phú, nhiều cốt truyện hồn nhiên, sinh động; có thể kể đến những tác phẩm đạt giải cao với các tác giả tiêu biểu như: Tôi là cá của Trương Thị Diệu Hà (lớp 11/9 – Trường THPT Hòa Vang), An Tư công chúa của Phạm Gia Khang (lớp 11/3, Trường THPT Tôn Thất Tùng), Tiếng gọi đàn của Trịnh Mỹ An (lớp 9/4, Trường THCS Nguyễn Công Trứ), Bồ Công Anh bay theo gió của Lê Khánh Hân (lớp 5/2 – Trường Tiểu học Mai Đăng Chơn), Isbella của Đoàn Dương Trúc Lam (lớp 8/1- Trường THCS Cao Thắng), Bánh khoai cô Mườn của Nguyễn Đỗ Minh Thư (lớp 8/6 – Trường THCS Phan Đình Phùng); Lại một chuyến đi của Nguyễn Thị Tuyết Mai (lớp 10/29 – Trường THPT Phan Châu Trinh), và câu chuyện của tác giả Phan Nguyên Chi Mai thật ấn tượng với nhan đề “Thằng Như cồ”. Ngoài ra, còn thật nhiều những tác phẩm khác.

Trước tiên, chúng ta có thể gặp truyện ngắn “Tiếng gọi đàn” của Trịnh Mỹ An. Câu chuyện gây được ấn tượng cho người đọc từ cấu trúc, cách đặt tên truyện, cho đến xây dựng cốt truyện, hình tượng và tính cách, tâm lý nhân vật được viết khá công phu, với nhiều tình tiết cảm động về cuộc sống bầy đàn và tình mẫu tử. Khung cảnh truyện diễn tả cuộc sống bầy đàn sinh động của loài voọc chà vá chân nâu trong rừng, đặc biệt là nhân vật voọc mẹ đang mang thai đã tự tách đàn đi kiếm ăn, không may bị dính bẫy đã phải cụt một cánh tay. Tưởng đâu những nỗi buồn sẽ qua đi khi voọc mẹ sinh con, thế nhưng một trận cuồng phong khủng khiếp đã khiến voọc mẹ gãy mất chiếc chân trái, từ đó hai mẹ con nó không thể sinh sống trên cành cây giống như bầy đàn. Khi voọc con lớn lên, nó cũng rời bỏ mẹ để sống theo niềm vui đông đúc, để lại một mình voọc mẹ sống cô đơn trong tiếng kêu thảm thiết buồn thương. Bằng khả năng quan sát tinh tế sự vật xung quanh, qua cái nhìn trong trẻo, nhạy cảm, Trịnh Mỹ An đã để lại cho người đọc nhiều điều đáng suy ngẫm. Bên cạnh đó, với “An Tư công chúa”, tác giả Phạm Gia Khang đã mang đến cho người đọc một truyện dã sử không mới về nội dung nhưng khá hấp dẫn về mặt tình tiết và cách sử dụng ngôn từ. Gia Khang thật sự đã đưa người đọc về với hào khí Đông A khi nhà Trần tổ chức Hội Nghị Diên Hồng để cố kết tinh thần dân tộc, quyết tâm một lòng đánh giặc Nguyên – Mông xâm lược. Chuyện của An Tư công chúa là câu chuyện riêng của một nhân vật phụ nữ nhưng cũng là câu chuyện chung của người dân Đại Việt. An Tư công chúa vì tình yêu đất nước mà sẵn sàng hy sinh thân phận, hy sinh tình cảm riêng tư của mình, chấp nhận làm thiếp của tướng quân Nguyên là Thoát Hoan, chấp nhận nếm gai nằm mật để làm nội gián và chấp nhận cái chết để tinh thần dân tộc được tôn vinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông góp phần mang đến chiến thắng vĩ đại cho quân dân Đại Việt trước một đội quân hùng mạnh nhất bấy giờ. Hình ảnh người phụ nữ ấy đáng được ngưỡng mộ biết bao nhiêu.

Ở thể loại truyện đồng thoại, em Lê Khánh Hân, học sinh nhỏ tuổi nhất của trại sáng tác, với tác phẩm “Bồ công anh bay theo gió” (tác phẩm được lấy làm tiêu đề của tập sách) đã chuyển tải được thông điệp rõ ràng, rằng con người và thiên nhiên cần phải có sự hòa thuận trong cùng một môi trường sống để bảo vệ tốt nhất thành phố biển xinh đẹp này. Lê Khánh Hân kể về hoa Bồ Công Anh bé nhỏ chấp nhận rời vòng tay của gia đình để theo cô gió phiêu lưu đến vùng đất với mong muốn thiên nhiên cây cỏ được sinh sôi nảy nở gần con người để làm đẹp cho đời; nhưng trớ trêu, khi loài hoa xinh xắn này được đặt chân đến thành phố để làm bạn với cậu học sinh nhỏ thì cậu lại đam mê vào những trò chơi công nghệ, những vật chất nhân tạo mà để Bồ Công Anh khô héo. May mắn thay, một cô học trò nhỏ đã tìm thấy Bồ Công Anh đang thoi thóp trong sọt rác để rồi hồi sinh Bồ Công Anh bằng những giọt nước mát trong lành trên khoảng đất bé nhỏ màu mỡ trong vườn nhà. Và rồi Bồ Công Anh cũng đã cảm nhận được tình yêu thương để vươn lên trổ hoa làm đẹp cho đời tươi đẹp.

Với trí tưởng tượng phong phú, cách diễn đạt mạch lạc, có sức lôi cuốn người đọc qua ngôn ngữ dạt dào cảm xúc, văn phong đúng với lứa tuổi, các bạn học sinh thật sự đã viết nên những câu chuyện hay về cuộc sống hôm nay qua góc nhìn trong sáng của mình. Đó là bước đầu các bạn đã biết thể hiện mình qua nghệ thuật viết và phong cách viết riêng. Điều quan trọng là dù viết ở đề tài nào thì hầu hết các bạn đều khẳng định trong tác phẩm của mình một tình yêu sâu sắc với thành phố biển Đà Nẵng xinh đẹp, tình cảm với gia đình, với mọi người xung quanh và khát vọng khẳng định bản thân mình qua con đường viết trong tương lai.

Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố cũng đã thực hiện đưa các tập sách này đến gần hơn với quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thông qua việc tặng sách đến thư viện các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố, qua đây nhằm bổ sung thêm một đầu sách hay cho các bạn học sinh tìm đọc, góp phần nuôi dưỡng ước mơ cho những học sinh có năng khiếu văn học, và đây cũng là cách mà chúng ta chung tay ươm mầm cho lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật của thành phố trong tương lai.

Trong niềm vui tháng ba tươi đẹp đang đến, trong niềm vui kỉ niệm ngày 8/3, Thư viện trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến xin được trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nhà trường ấn phẩm nhiều ý nghĩa này. Hi vọng mỗi chúng ta sẽ gặp được nhiều bài học và những điều đang suy ngẫm khi nâng niu cuốn sách trên tay mình.

                                    Thư viện trường THCS&THPT Nguyễn Khuyến