Những tấm lòng cao cả

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trên thế giới, chẳng mấy ai không biết nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Nhưng nhà văn nổi tiếng đó không phải là người chuyên viết truyện về trẻ em hay cho trẻ em.

De Amicis sinh ngày 31 tháng 1 năm 1846 ở Ônêglia, xứ Liguria, trên bờ biển tây bắc bán đảo Ý. Sự nghiệp giải phóng và thống nhất Ý bắt đầu từ năm 1820, đến năm 1870 mới hoàn thành là phong trào giải phóng dân tộc lớn nhất lịch sử Châu Âu thế kỉ XIX. Khi trận Cutxtotza thứ nhất chống quân xâm lược Áo trong cách mạng 1848 diễn ra thì chú bé Edmondo chưa được 2 tuổi. Nhưng đến trận Cutxtotza thứ 2 diễn ra thì người sĩ quan mới tốt nghiệp chưa đầy 20 tuổi De Amicis đã đứng trong hàng ngũ quân đội Ý chiến đấu dưới lá cờ 3 sắc. Cũng vào lúc đó, ông đã sáng tác 2 tác phẩm đầu tiên, tập hợp thành “Cuộc đời quân ngũ” (La Vita Militare, 1868).
             Công cuộc giải phóng đất nước thành công, ông từ giã “cuộc đời quân ngũ” của mình và đi du lịch khắp nơi để sáng tác theo một thể loại khác: thể du kí. Các tác phẩm lần lượt kế tiếp nhau ra đời: Tây Ban Nha(1873), Hà Lan(1874), Ma Rốc(1876)…
             Trong cuộc đời của mình, chưa đến 20 tuổi mà nhà văn Ý đã xả thân chiến đấu vì độc lập của đất nước. Ông qua đời ngày 12 tháng 3 năm 1908, thọ 62 tuổi. Hơn nửa cuộc đời của ông, ông đã cống hiến cho văn học thế giới và văn học Ý nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nhưng có lẽ 2 tác phẩm hay nhất của ông là “Những người bạn dí dỏm” và “Tấm lòng” (Cuore) mà thế giới vẫn quen gọi là “Tấm lòng cao cả”. “Những tấm lòng cao cả” ra đời vào những năm 80 của thế kỉ XIX. Gần 200 năm nay, tác phẩm đã làm cho De Amicis đứng vào hàng ngũ những nhà văn nổi tiếng nhất thế giới.
 “Những tấm lòng cao cả” quả đúng là một thiên trường ca cảm động. Qua những câu chuyện nhỏ hàng ngày mà cậu bé Enrico Bottini chứng kiến hoặc những bức thư cảm động của bố mẹ cậu, De Amicis đã viết thành một tác phẩm có giá trị. Thỉnh thoảng có một trang sách tả riêng về một số ông bố, bà mẹ học sinh. Chẳng qua De Amicis đã mượn ngòi bút của cậu bé 11 tuổi để nói chuyện người lớn. Vì lẽ đó, “Những tấm lòng cao cả”  không chỉ là một cuốn sách dành cho trẻ em mà còn là một cuốn sách dành cho người lớn. Cách viết của truyện như một quyển nhật kí cảm động. Mọi câu chuyện, mọi sự việc đều được ghi chép một cách tỉ mỉ. Mỗi khi Enricô phạm một sai lầm nào đó, bố hoặc mẹ cậu đều viết một bức thư mà khi đọc nó, người sắt đá nhất chắc cũng phải cảm động. Hàng tháng, thầy Pecbôni cho đọc một câu chuyện gọi là truyện đọc hàng tháng. Những câu chuyện đó cũng được ghi chép vào quyển nhật kí của Enricô. Không những thế, tác phẩm ngầm nêu lên về quan điểm giáo dục trẻ em: thật thà, dũng cảm. Không hèn nhát, lạm dụng lòng tốt của người khác, dạy trẻ những bổn phận với bố mẹ, gia đình, thầy cô, bạn bè, kính yêu thầy cô giáo và trường học.
De Amicis đã xây dựng những câu chuyện có tình tiết li kì, sự kiện diễn ra một cách tự nhiên, cách kể linh hoạt, sắc sảo, những chi tiết làm người đọc hồi hộp nhưng vẫn làm câu chuyện hợp lí, chặt chẽ. Nhiều truyện kết thúc mà để người đọc cứ bùi ngùi mãi không thôi: Cậu bé làm xiếc lấy tay áo quệt trái lớp phấn trên mặt gửi lên hai má của ân nhân mình hai cái hôn đáng yêu; ông đại uý già chưa từng nói với ai một lời dịu dàng bao giờ, tay đưa từ từ và mắt nhìn chằm chằm, chào Cậu bé đánh trống người Xacđênha… Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng dù kết cục của truyện người đọc đã đoán biết trước rồi, đọc đến những câu cuối như thế ít ai có thể dửng dưng, và không ít người tuy đã đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn khó mà cầm được nước mắt. Nhiều đoạn trong “Những tấm lòng cao cả” đã làm người đọc xúc động như thế, lại có những đoạn rất thuyết phục vì lời văn hùng hồn, nhất là những bức thư bố mẹ viết cho con; mà nhiều bức đã được trích vào sách giáo khoa của nhiều nước, nổi tiếng hơn cả là bức thư về “Trường học”. Truyện đọc hàng tháng cũng được trích như thế.
                “Những tấm lòng cao cả” của Edmondo De Amicis thực sự là một tác phẩm giá trị. Các bạn hãy tìm đọc nhé.
Nguyễn Anh Tú
Nhóm Tuyên truyền – giới thiệu sách
Học sinh Lớp 6/3 – Năm học 2008-2009