Tổ Hóa – Sinh của chúng tôi
Lượt xem:
I/
Thỉnh thoảng, tôi nói với những học sinh lớp 6 của mình đang khóc vì cãi nhau. Rằng có bao giờ các em tự hỏi, vì sao trái đất có hơn 6 tỉ người mà các em lại may mắn được học chung trường, chung lớp với nhau, lại còn chung bàn nữa. Là vì các em đã có duyên với nhau từ khi…chưa ra đời.
Chắc chắn là không phải bởi những lời tôi nói, mà bởi tuổi học trò mau giận, mau quên, giờ ra chơi đã thấy các em chia nhau gói bánh snack khoai tây. Các em chắc không tin, cũng không để ý nhiều đến những lời ấy của tôi.
Nhưng tôi thì tin!
Nếu không phải cái duyên, điều gì đã đưa tôi đến với ngôi trường này, với tổ Hóa – Sinh mà sau nay tôi mới biết, các thành viên trong tổ trước khi về đây đã từng là trụ cột của nhiều trường trong thành phố, hay cả Khánh Hòa, Gia Lai. Không phải cái duyên, sao tôi lại về trường đúng năm dì Lan Viên của tôi cũng được thuyên chuyển công tác và hai dì cháu đã gặp nhau ở phòng Tổ chức – Cán bộ của Sở Giáo dục với cùng lí do khi đến: “Xin không nhận quyết định!”. Tôi là vì cái giấy báo tuyển thẳng Cao học mà ĐHSP Huế gửi vào, còn dì tôi vì những gì quá gắn bó với ngôi trường cũ. Để rồi, sau những “nghĩ lại”, cuối cùng cả hai dì cháu tôi lại gặp nhau, trên hành lang dẫn đến phòng Hiệu trưởng. Để đến bây giờ, sau gần sáu năm cùng sẻ chia những thành quả và khó khăn của trường, của tổ, tôi nhận ra đây chính là nơi chốn của mình…
Nơi ấy, tôi được biết, để có được một ngày hôm nay rộn ràng, đã trải qua một chặng dài thử thách. Cô Huân kể những ngày đầu, tổ chỉ có mấy người: thầy Trương Cừ, cô Trần Thị Nhựt, cô Nguyễn Thị Huân, thầy Lê Quốc Hưng, cô Trần Lệ Quyên. Mỗi tuần riêng dạy chính khóa, đã hai mươi mấy tiết. Rồi bồi dưỡng học sinh giỏi, công tác chủ nhiệm, phong trào. Coi như đã là giáo viên trường Nguyễn Khuyến, nhất là tổ Hóa – Sinh, do đặc thù bộ môn với những buổi thực hành của dạy bồi dưỡng, thì đừng nói đến ngày chủ nhật.
Nơi ấy, tôi từng hiểu, đã có những niềm vui đến từ quả ngọt do chính tay những thành viên trong tổ vun trồng, chăm bón với rất nhiều tâm huyết, rất nhiều sức lực mà nên. Những thoáng giận hờn rất chi…nữ tính. Ai bảo Hóa – Sinh là tổ đẹp nhất trường làm gì! Và cả những mất mát thật lớn lao, khi một ngày đông đầy nắng, thầy Trương Cừ đã đi xa mãi mãi.
Nơi ấy, tôi tin, sẽ là một góc nhỏ thôi nhưng thật thiết tha trong tim mỗi người từng đến ngụ, dù dài dù ngắn tính theo tháng theo ngày. Như chị Quyên vẫn thường “về chơi” khi đã sang nhận công tác ở một ngôi trường khác. Như cô Nhựt, tôi vẫn gặp trong những cuộc tham quan của trường, cuộc “xả hơi” của tổ khi đã chia tay với bục giảng. Như tôi, người ở lại, thương hoài lúc cô Nhiệm vuốt cái bím tóc tôi mà xa xăm: “Mới ngày nào, cô cũng trẻ như em.”, nhớ hoài lần cô Chính gọi điện bảo: “Cậu mệt thì để tớ dạy thay cho.”
Và chắc chắn rồi, mai kia khi chuyển địa điểm đến nơi rộng rãi hơn, bề thế hơn, tổ rồi sẽ có thêm những thành viên mới. Cùng với thời gian, tôi, Phương, Liễu sẽ không còn là những cô giáo “chao ôi là trẻ” nữa. Thì vẫn mãi mãi là như vậy, một tập thể vững vàng về năng lực chuyên môn. Thì vẫn mãi mãi là như thế, tình cô trò, tình chị em nồng ấm…
II/
Vâng, còn tôi…
Giờ đây sau bảy năm gắn bó với trường, tôi đã là thành viên “cũ kĩ” của tổ Hoá sinh, làm sao tôi quên được cái ngày mà tôi cầm trên tay tờ quyết định thuyên chuyển công tác từ thành phố Pleiku xa xôi tận ở Tây nguyên đi tìm trường để nộp quyết định. Dẫu trở lại chính quê hương của mình mà tôi cứ tìm mãi, tìm mãi vẫn không thấy trường THCS Nguyễn Khuyến ở đâu dù đã mấy lần tôi đi ngang qua cổng. Ngờ ngợ, tôi bèn quyết định dừng lại để nhìn cho kỹ. Và đây rồi, dòng chữ “TRƯỜNG THCS NGUYỄN KHUYẾN” rất to nằm ngay ngắn trên cao của ngôi trường đã “lọt” vào mắt tôi. Tôi thở phào…
Người tiếp tôi là cô Phú, phó Hiệu trưởng của trường lúc ấy. Cô vui vẻ, nhẹ nhàng bảo tôi: “Trường đang rất cần một giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi thực hành em ạ. Nhưng không sao, em thu xếp công việc cho ổn định rồi tuần sau bắt đầu dạy”. Tôi ra về với bao nhiêu là lo lắng, hoang mang….
Mới đó, mà đã bảy năm rồi, bảy năm tôi gắn bó với trường, với tổ Hoá sinh với bao là niềm vui và cũng không ít những nỗi buồn và lo lắng. Nhưng cái mà tôi nhận được từ chính ngôi trường này là sự động viên của các anh chị đồng nghiệp: anh Cừ, chị Nhựt, chị Duyên, chị Viên, chị Nhiệm, chị Huân… cùng các anh chị tổ khác; sự quan tâm nhắc nhở của chị Huệ, anh Thanh và cả sự yêu quý của học sinh. Và còn rất nhiều, rất nhiều điều tôi và các thành viên trong tổ Hoá – Sinh của tôi muốn nói…
III/
Vậy đó cùng với thời gian, tổ Hoá – Sinh của chúng tôi cũng đã “trưởng thành” với một thành tích đáng tự hào, nhiều năm liền chúng tôi có kết quả học sinh giỏi rất cao, năm sau cao hơn năm trước và cứ thế các đội tuyển cứ đông dần lên, chúng tôi có vất vả hơn, có lo lắng nhiều hơn… Quên làm sao được cái nắm tay của “sếp” Thanh và anh nói “Sống rồi em ạ”. Thấy tôi ngơ ngác, anh nói tiếp: “Môn Sinh sống rồi, học sinh đăng ký thi đông lắm”. Ra vậy, chúng tôi đã giành được niềm tin yêu từ phụ huynh, từ các em học sinh thân yêu; và đặc biệt, niềm tin từ lãnh đạo nhà trường.
Để một ngày không xa lắm, khi chúng tôi rời ngôi trường nhỏ bé với cái cổng trường khác lạ này để đến một ngôi trường mới to lớn hơn, khang trang hơn, chúng tôi lại đón những đồng nghiệp trẻ như Trang, như Phương, như Liễu, sẽ với tất cả niềm tự hào, tin yêu mà kể với các bạn rằng: “Tổ Hóa – Sinh của chúng ta…”