Tản mạn một ngôi trường (cô Hồng Vân – tổ Ngữ văn)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tôi còn nhớ hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.

Với Trường Nguyễn Khuyến… “của tôi”, sẽ không phải là vậy. Có nghĩa là khi tôi chưa đi thì nơi ấy cũng đã “hóa tâm hồn” đối với tôi rồi. Bởi đó là nơi tôi đã dừng chân hơn 14 năm trong cuộc đời dạy học, sau khi đã từng “trên khắp nẻo đường” của quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng một thời, một thời không quên. Đó là những năm đầu khó khăn chung của đất nước, quê hương sau ngày thống nhất! Cái thời bao cấp mà “cơm áo không đùa với khách thơ” huống gì là một nữ giáo viên còn rất non trẻ như tôi lúc chập chững vào nghề. Cái thời mà nay nhìn lại như câu thơ của Nguyễn Duy:

Ngửa mặt lên nhìn mặt

Có cái gì rưng rưng

Như là đồng là bể

Như là sông là rừng

Đó là những nơi, những ngôi trường tôi đã đi qua hơn 30 năm dạy học, để rồi gần  một nửa thời gian đó tôi đã dừng lại ngôi trường Nguyễn Khuyến hôm nay của thành phố Đà Nẵng.

Nhớ mãi… Một ngày mùa thu tháng 9 nào đó xa lắc cách đây 14 năm, tôi được chuyển về trường Trung học cơ sở Nguyễn Khuyến. Ôi, ngôi trường giáp ba mặt đường nhìn vào thấy thật dễ thương và nên thơ (có phải vì nó mang tên một ông quan nghèo, một nhà thơ ẩn dật say hương sắc mùa thu chăng?). Còn nhớ lúc ấy tôi thường chẳng biết đi đường nào đến trường cho tiện, vì chỗ ở tôi cũng đâu ổn định so với đồng lương quá ít ỏi của một giáo viên thời ấy. Nhưng ngôi trường thì tôi không bao giờ quên.

Cứ thế…

Năm tháng đi qua, kỉ niệm chất chồng, vui buồn lẫn lộn. Bỏ rơi, đánh mất, tìm lại, nhặt về…như một câu thơ mà có lần người bạn thân đã viết tặng tôi: “Có chi như thể ngày xưa. Đánh rơi kỉ niệm vẫn chưa nhặt về. Thương em vấp một câu thề. Sông dù cạn cũng tái tê lòng thuyền”. Cũng chẳng biết tôi có vấp một câu thề nào không, nhưng nghe như có chút gì khắc khoải, bâng khuâng, miên man, chợt nhớ… của một thời cắp sách, một thời sinh viên nghèo khổ, một thời đi dạy cho đến hôm nay, tôi vẫn đứng lại trong ngôi trường Nguyễn Khuyến thân yêu này, trên sân trường mà hằng ngày tôi vẫn nhìn các em đùa vui sau giờ học tập. Lúc đó, tôi lại bắt gặp hình ảnh của mình ngày xưa, ngày xưa…

Và rồi, tôi lại nhớ đến bài thơ “Giao lại tuổi thơ” của Xuân Diệu mà tôi được học những năm thời niên thiếu: “Anh giao lại cho em. Ngôi trường có tiếng guốc vang. Nhà chơi đầm ấm những chiều mưa. Mảnh sân rộn ràng khi ong vỡ tổ”. Với ngôi trường này, trong nhiều năm dạy học ở đây, tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu giờ chơi của các em học sinh tung tăng trên sân trường tuy nhỏ hẹp nhưng cũng thật dễ thương này. Bây giờ và trước đây rất lâu đã không còn ai mang guốc mộc lốc cốc đi về sớm khuya như cái thời “rương hòm lều chõng” của học trò ngày xưa nữa. Càng không phải khăn đóng áo the như học trò lên tỉnh xuống huyện mà Huy Cận trong một bài thơ đã nhắc đến: “Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường. Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc”. Nghe thật xa xăm mộng mị như giấc chiêm bao. Cái thưở ấy xa lắm rồi…! Khi nhìn các em trò nhỏ bây giờ với những giờ chơi trên sân trường, tụm năm tụm bảy, giày dép sạch sẽ, áo quần đồng phục trắng tinh, tươm tất, với những trò chơi “hiện đại”, trí tuệ và có cả sự sang trọng “lịch lãm” của một thành phố nhộn nhịp phồn vinh… tôi thường lơ đãng, bâng quơ nghĩ về một thời xa lăng lắc như vậy.

Mà thôi, nhắc lại làm gì. Quá khứ nào chẳng đẹp chẳng thơ, chẳng vui chẳng buồn. Chỉ biết hôm nay đây tôi vẫn còn ở lại ngôi trường dấu yêu quý mến này cùng anh em bè bạn và những lớp lớp học sinh đã đi qua như tôi cũng đã từng đi qua. Nếu gọi là dừng chân, sao tôi lại ở nơi này? Biết đâu đó cũng là một chút… duyên còn lại trong cuộc đời dạy học lắm chuyện vui buồn nhưng cũng không bao giờ quên được. Mai đây, dù ngôi trường này có được chuyển đi một nơi nào khác (vẫn là cái tên của cụ Tam nguyên Yên Đổ), tôi vẫn không quên những gì tôi đang nhớ, đã nhớ, rất nhớ.

Xin  dâng lên cụ Nguyễn Khuyến một nén hương lòng, như là một gợn sóng rất nhỏ trong hành trình dài của một đời dạy học. Có điều, chỉ một chút thôi, “sóng biếc” cũng đủ làm ta xao xuyến, vỗ bờ…