50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 –12/2022)

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã và đang có nhiều hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022) và 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 –12/2022). Hòa trong không khí đó, hôm nay, chúng ta một lần nữa cùng ôn lại lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quân đội ta từ nhân dân mà ra, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức xây dựng, giáo dục, rèn luyện. Chặng đường anh hùng trong 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tô thắm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, làm rạng ngời thời đại Hồ Chí Minh. 78 năm qua, dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đùm bọc của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, càng đánh, càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn, góp phần cùng toàn dân tạo nên những kỳ tích trong chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Nói đến Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta và bạn bè quốc tế không thể không nhắc đến Điện Biên Phủ (1954), kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp và Tổng tiến công Đại thắng mùa Xuân (1975) kết thúc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 12 này, chúng ta cũng không thể không nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 –12/2022); Bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đúng 50 năm trước.

Cuối năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt. Trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.  Để cứu vãn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ âm mưu tiến hành cuộc tập kích trên bằng B-52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế – quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Chúng sử dụng 193/tổng số 400 chiếc máy bay B-52 hiện có cùng hàng nghìn máy bay không quân chiến thuật, phương tiện chiến đấu khác để đánh miền Bắc. 10 giờ 30 ngày 17-12- 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.

Video: 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 –12/2022) (Nguồn: Truyền hình Nhân Dân; Biên tập: Tổ Sử – Địa – GDCD)

            Trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 663 máy bay B-52 và 3.920 lần máy bay chiến thuật, ném hơn 100.000 tấn bom đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần máy bay B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học… Chúng hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên – khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.

Trước sự tấn công ào ạt của quân Mỹ, quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 chiếc B-52, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Quân chủng Phòng không – Không quân bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch. Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Mỹ mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt. Riêng máy bay B-52, có 34/193 (17,6%) chiếc bị bắn hạ. Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 làm vang dội địa cầu, buộc Mỹ chưa đầy 1 tháng sau, ngày 27-1-1973 phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị. “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ 20; mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như những “Chi Lăng”, “Hàm Tử”, “Đống Đa”, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; góp phần tô sáng thêm truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam là: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nhân dân ta cũng ghi nhận và khen ngợi bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam bằng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

Kỷ niệm 7 kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022) và 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12/1972 –12/2022) là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Nguyễn Quốc Luật